Qui trình chuyển nhượng HĐMB nhà ở hình thành trong tương lai

Qui trình chuyển nhượng HĐMB nhà ở hình thành trong tương lai

Bài viết này hướng dẫn qui trình và thủ tục chuyển nhượng lại hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lại cho bên thứ 3. Một số khái niệm trong bài viết cần làm rõ trước khi đi vào nội dung chính.

Khái niệm nhà ở hình thành trong tương lai

Là nhà ở thương mại gồm căn hộ chung cư, nhà liền kề, nhà biệt thự… được chủ đầu tư dự án bán cho người mua nhà thông qua hợp đồng mua bán. Hợp đồng này thể hiện quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên. Nhà ở hình thành trong tương lai được xây dựng theo tiến độ nộp tiền ghi rõ trong hợp đồng mua bán.

Nếu người mua đang thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mua bán này với chủ đầu tư và chưa thực hiện việc nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ – đối với nhà biệt thự, liền kề) hoặc xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (Sổ hồng – đối với căn hộ chung cư) thì hợp đồng mua bán này hoàn toàn có thể chuyển nhượng lại cho bên thứ ba để tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán.

Căn cứ pháp lý chuyển nhượng HĐMB nhà ở

Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP và Thông tư 19/2016/TT-BXD về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở 2014.

Qui trình chuyển nhượng HĐMB nhà ở này sẽ gồm các bước sau:

Bước 1: Lập hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng tại cơ quan công chứng (có thể bỏ qua Bước 1 và thực hiện Bước 2 nếu đủ điều kiện)

Bước 2: Lập hợp đồng chuyển nhượng HĐMB nhà ở tại cơ quan công chứng

Bước 3: Lập văn bản xác nhận việc chuyển nhượng với chủ đầu tư

Hồ sơ và giấy tờ thủ tục cần chuẩn bị cho việc chuyển nhượng HĐMB

Hồ sơ của bên chuyển nhượng

  • Bản gốc + 07 bản sao có công chứng HĐMB nhà ở bản gốc
  • Bản gốc + 07 bản sao có công chứng CMND hoặc Thẻ căn cước và sổ hộ khẩu của vợ và chồng. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Nếu bên chuyển nhượng độc thân thì cần phải có giấy xác minh tình trạng hôn nhân.

Hồ sơ bên nhận chuyển nhượng

  • Bản gốc + 07 bản sao có công chứng CMND hoặc Thẻ căn cước và sổ hộ khẩu của vợ và chồng. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Với HĐMB nhà ở không nhất thiết phải ghi tên cả vợ hoặc chồng.

Về nội dung hợp đồng chuyển nhượng lại HĐMB nhà ở cần lưu ý:

Hợp đồng này thể hiện việc bên nhận chuyển nhượng sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng nối tiếp của bên chuyển nhượng với chủ đầu tư và sẽ là bên đủ điều kiện pháp lý đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay quyền sở hữu nhà do cơ quan nhà nước cấp.

Bên nhận chuyển nhượng sẽ thanh toán cho bên chuyển nhượng số tiền do hai bên thỏa thuận căn cứ vào số tiền đã đóng có phiếu thu của chủ đầu tư. Số tiền này có thể bằng, hoặc lớn hơn, hoặc nhỏ hơn số tiền đã đóng.

Qui định về nghĩa vụ nộp thuế chuyển nhượng của HĐMB nhà ở

Theo qui định thì bên chuyển nhượng sẽ phải chịu thuế TNCN tương đương 2% tổng giá trị đã đóng cho chủ đầu tư theo HĐMB và có biên lai thu tiền của chủ đầu tư. Việc đóng thuếTNCN này cũng có thể được thỏa thuận giữa hai bên.

Hồ sơ giấy tờ nộp lên chủ đầu tư xác nhận gồm có:

  • 05 bản hợp đồng chuyển nhượng HĐMB nhà ở có công chứng
  • Bản gốc HĐMB nhà ở ký với chủ đầu tư
  • Biên lai xác nhận nộp thuế TNCN
  • Bản sao công chứng CMND hoặc thẻ căn cước và sổ hộ khẩu của người nhận chuyển nhượng

Trong vòng 05 ngày làm việc chủ đầu tư sẽ trả lại hồ sơ như sau:

  • 02 bản Văn bản chuyển nhượng có xác nhận của chủ đầu tư cho mỗi bên giữ 01 bản (Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng).
  • Bản chính HĐMB ký với chủ đầu tư cho bên nhận chuyển nhượng.
  • Biên lai nộp thuế TNCN và giấy tờ cá nhân bản gốc nếu có.

Trên đây là toàn bộ qui trình và thủ tục cho việc chuyển nhượng HĐMB nhà ở hình thành trong tương lai.

Tác giả: L.Wood Gate

Nguồn: https://jackby.com

Compare listings

Compare